10 nhà văn to

TOP 10 NHÀ VĂN.

Tâm tư mãi mấy hôm cũng chọn ra được 10 nhà văn ưa thích. Lựa chọn trên tiêu chí mỗi nước một người, thế cho nó hiểm. Thứ tự không liên quan gì lắm.

1) Kim Dung, tổ sư chém gió, nhưng khả năng kết hợp triết lý vào các chi tiết kiếm hiệp hoang đường cực kỳ xuất sắc, xứng đáng là hải đăng lớn nhất của kiếm hiệp.

2) Azit Nesin, bậc thầy trào phúng, người có ảnh hưởng mạnh đến suy nghĩ và phong cách của tôi. Khả năng khắc họa những khía cạnh đời sống thật siêu việt, cứ mở truyện của ông ra sẽ thấy khối thứ vẫn còn đúng đến hôm nay.

3) Agatha Christie, thiên tài sáng tạo, con người tiên phong của kỷ nguyên trinh thám. Có thể nói rằng 99,99% sự sáng tạo nghệ thuật là cải biên và nâng cấp cái cũ, chỉ có tỉ lệ ít ỏi còn lại, như Agatha, là những sáng tạo mang tính cách tân tuyệt đối, thay đổi toàn bộ quan niệm và tư duy của các thế hệ sau.

4) Haruki Murakami, chọn vì thích, với lại đa số người nghe The Beatles đều là người tốt cả.

5) Mark Twain, một cao thủ trào phúng khác. Viết duyên và thông minh, có hàng nghìn câu có thể làm quote được.

6) Dumas cha, bậc thầy kể chuyện. Vài truyện kể có thực có bịa làm nền, đan xen với âm mưu, phiêu lưu và tình ái, Dumas kể cho ta nghe những câu chuyện tài hoa và kì diệu. Một tài năng vô song, không gì so nổi.

7) Chyngyz Aitmatov – lãng mạn và đẹp đẽ, đẹp đến cả những nỗi buồn cũng đẹp. Và điều này nữa, rất dể để yêu các nhân vật của Aimatov.

8) Umberto Eco, triết gia giỏi viết văn. Các tác phẩm của Eco đều phức tạp, kỳ vĩ, như những trò chơi tai quái do một cái đầu thông minh đến quái đản nghĩ ra, dắt người ta vào ma trận của chữ nghĩa và kiến thức.

9) Oscar Wilde, sư phụ của tôi. Triết lý sâu sắc, cay độc, châm biếm mọi lúc, đi kèm với những câu văn lấp lánh như ngọc quý.

10) Nam Cao, thiên tài về tâm lý người Việt. Có lẽ 100, 200 năm nữa những điều ông viết vẫn còn đúng với thời đại. Cả thế kỷ trước có được Nam Cao thì cũng không đến nỗi vất đi hoàn toàn.

Bài thơ về Santiago

Bài này của Neruda, chép lại theo trí nhớ. Câu “quán cà phê thẫm đặc màu buồn” quyết phải đạo văn vào một ngày nào đó.

Đừng dứt tôi ra khỏi thành phố đã ru tôi

Chiếc nôi ru từ thời thơ ấu

Đừng dứt tôi ra khỏi phố phường tôi ẩn náu

Nơi tôi trưởng thành từ những khổ đau

Tôi không thể quên mái nhà ở Mapochu

Trong hoàng hôn tĩnh lặng

Quán cà phê thẫm đặc màu buồn

Và thành phố

Khi thắp lửa lên

Lập lòe như một ngôi sao lớn

Cái ánh sáng lập lòe dần làm tôi thức tỉnh

Nhưng người đi qua, nào dễ hay đâu?

Santiago là một con tàu

Biết bao lần từ nơi xa lạ

Tôi lao về như có cuộc hẹn hò

Tôi như bay trên đôi cánh hiếu kỳ

Để tìm lại những vỉa hè thành phố

Chỉ ở đây thôi, tôi mới rõ

Con người tôi, thực là tôi..

Pulp Fiction,

Bạn thường xem một bộ phim bao nhiêu lần là đủ? 1,2, hay 3. Hay 10 lần. Hay là 50 lần hoặc hơn nữa. Với Pulp Fiction, bao nhiêu lần cũng mới mẻ như lần đầu.

Cuối năm 1992, Tarantino rời khỏi Amsterdam sau 3 tháng giam mình trong một căn hộ nhỏ, miệt mài viết lách trên một cuốn sổ tay học trò mỗi ngày, với “khoảng 12 cốc cà phê gì đó” (Tarantino). Khi cuốn sổ được đưa tới tay Linda Chen, người cộng sự giúp đỡ Tarantino hoàn thiện các kịch bản của mình, nó giống như “nhật ký của một gã điên”, “hầu như không thể luận ra được” và có khoảng “9000 lỗi ngữ pháp” – Chen mô tả. Nội dung kịch bản bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ về một nhóm gangster ở Los Angeles, một tay võ sĩ quyền anh, 2 tên cướp gà mờ. Đó chính là bản nháp đầu tiên của Pulp Fiction, bộ phim vượt lên trên định nghĩa của “phim hay”, đập vỡ mọi nguyên tắc của điện ảnh, thành nguồn cảm hứng bất tận cho những người mê phim và các nhà phê bình, hay là “như một liều andrenaline tiêm thẳng vào trái tim Hollywood.”

Một bộ phim thông thường luôn có xu hướng đi theo dòng chảy thời gian, hoặc đan xen giữa quá khứ- hiện tại, hoặc nhiều cảnh diễn ra song song cùng thời điểm. Pulp Fiction phá vỡ truyền thống này với 5 cảnh phim nhỏ được xáo trộn thứ tự, mỗi cảnh lại có liên kết với một cảnh khác để tạo thành câu chuyện hoàn chỉnh. Nếu xếp theo trình tự thời gian, cảnh thứ 2 của phim chính là cảnh đầu tiên, và cảnh thứ 3 lại là đoạn kết. Kỹ thuật xáo trộn và ghép nối này ngay lập tức gây choáng váng khi phim ra mắt, và trở thành đặc sản của Tarantino về sau, tuy nhiên phải nói rằng các kịch bản sau này của ông không còn đạt đến sự liền lạc hoàn hảo về nội dung như vậy nữa.

Không chỉ đơn giản là sự cách mạng trong cách kể chuyện, nội dung của từng câu chuyện trong Pulp Fiction cũng là một sự khác biệt. Từng mẩu chuyện nhỏ đó tuyệt nhiên không có ý nghĩa gì đặc biệt, không gửi gắm thông điệp sâu xa, không đưa ra bài học cần suy ngẫm. Không cần phải trăn trở về việc làm người hùng, không cần lo cứu thế giới, hay là đợi chờ sự chiến thằng của chính nghĩa. Xem Pulp Fiction như nhìn đời qua ô cửa sổ của quán cà phê, các nhân vật đến rồi đi, không quá khứ và tương lai. Từng cảnh trong phim như được cắt ra từ đời thực, lần đầu tiên, người ta thấy sự gần gũi của câu chuyện phim. Những nhân vật trong phim trở thành những thực thể có thể chạm vào, nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy họ tồn tại trong đời thực, hay có khi họ cũng ở trong đời thực? Đó là tài năng độc nhất vô nhị của Tarantino, gã nhân viên cho thuê băng lập dị bỏ hàng năm trời để nói chuyện với hàng ngàn người về một đề tài duy nhất :phim ảnh.

Pulp Fiction thắng rực rỡ ở Canne năm 1994, nhận được vô số những lời tán dương từ cả giới phê bình lẫn khán giả. Người ta ca ngợi phong cách độc đáo, những câu thoại xuất sắc và diễn xuất tuyệt vời của bộ phim. Chỉ sau một đêm, sự nghiệp của Samuel Jackson, Uma Thurman đã bước sang một trang mới, tên tuổi của John Travolta hồi sinh, còn riêng Tarantino đã tự định nghĩa một dòng phim mới mang tên mình.

Đặc trưng của “phim Tarantino” thể hiện triệt để trong Pulp Fiction với 2 yếu tố nổi bật. Một là tính bất ngờ trong các tình tiết tưởng như rất tầm thường. Một cảnh phim đều có sự chuyển đổi giữa 2 thái cực rất nhanh, từ tĩnh sang động, bi sang hài hay yên bình trở thành chết chóc chỉ trong tích tắc. Đoạn phim The Bonnie Situation với câu thoại kinh điển ” Oh man, I shot Marvin in face” là minh họa điển hình cho phong cách này. Đặt một bối cảnh bình thường, rồi tạo ra một tình huống đầy ngẫu nhiên dẫn đến sự thay đổi đột ngột là kỹ thuật mà Tarantino đặc biệt ưa thích. Trong các phim sau này của Tarantino cũng có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh này, như giơ 3 ngón tay như người Đức( Inglorious Basterd) hay bắt tay nhau khi kết thúc phi vụ (Django Uunchained). Cũng chính vì điều này mà khi Hateful 8 vô tình bị lộ kịch bản, Tarantino đã nổi điên đến độ định hủy bỏ toàn bộ dự án phim.

 

Yếu tố thứ 2 làm nên đặc trưng trong phong cách của nhà đạo diễn lập dị này là lời thoại. Tarantino làm việc rất chi tiết với từng lời thoại trong phim. Sự am hiểu tỉ mỉ về cách người ta nói chuyện hàng ngày làm cho những đoạn thoại trong Pulp Fiction xứng đáng là những câu thoại hay nhất trong lịch sử phim ảnh. Nhiều người cho rằng bộ phim này không có danh sách những câu thoại hay nhất (the best quotes), bởi lẽ toàn bộ lời thoại trong phim quá xuất sắc đến từng chi tiết nhỏ. Rất có thể đạo diễn đã phê thuốc khi viết lời thoại, hay ông ta được thần linh giúp? Những câu nói của Jules, Vincent, Mia,… đi vào đời sống văn hóa người Mỹ, trở thành tiếng lóng được dùng hàng ngày. Không chỉ có nội dung hay, cái cách người ta nói ra những câu thoại này thực sự kinh điển và nghệ thuật. Làm sao quên được gương mặt của Jules khi hắn đọc đoạn kinh thánh (chế ra) về sự báo thù của Chúa, hay vẻ thản nhiên của Vincent khi gã nói: Tao vừa bắn vào mặt thằng Marvin mày ạ. :3

Hôm nay tôi đọc

Chống mốc blog, làm thêm cái “Hôm nay tôi đọc” hòng ghi lại những câu hay hay, những ý bất chợt, những điều nhảm nhí đọc được mỗi ngày. Độ 15 năm nay hoạt động đọc giống như một bản năng ăn sâu vào máu, đọc mọi lúc đọc mọi nơi, đọc từ nhảm đến cao siêu, đọc khi không còn gì để làm.

– Đọc tiếp quyển The Bat, quyển đầu trong series về Harry Lỗ – Jo Nesbo. Quyển này lấy bối cảnh Úc nên đọc thấy cũng thân thuộc. Giọng văn dễ chịu. Nhưng độ dày hơn 400 trang thì thật nản. Nhà anh Nẹt bô này đang nổi ở Úc, thấy ở đâu cũng bán.

  • Đọc tiếp mẩu nữa trong tuyển truyện của Maugham. Gọi là mẩu nhưng dài kinh hoàng. Bù lại thì vẫn có những câu văn đẹp và rất duyên.

Tragedy of X

New York, 1930. Một người đàn ông bị đầu độc đầy bí hiểm và tinh vi trong cabin xe điện giờ tan tầm. Không một bằng chứng nào đủ thuyết phục để tìm ra thủ phạm. Các thanh tra của NYPD phải cầu viện sự giúp đỡ của Durury Lane, một diễn viên kịch Sheakpears giải nghệ kiêm thám tử nghiệp dư. Tuy nhiên đây chỉ là mở đầu của chuỗi “bi kịch X” với liên tiếp các vụ án mạng mà thủ phạm lẩn quát đâu đó như một bóng ma…

Truyện này viết sau thời kỳ thành công rực rỡ với series Ellerry Queen. Bộ đôi tác giả Lee và Dannay  quyết định thay đổi phong cách với hình tượng nhân vật chính hoàn toàn mới: thám tử nghiệp dư Đường (Lane). Đường thám tử vốn là diễn viên kịch Sheakpears về mất sức với thương tật 15% ( bị điếc). Để giao tiếp với người khác, anh Đường phải luyện thành tuyệt kỹ đọc môi (lip-read) của người đối diện. Tuy nhiên tuyệt chiêu này chủ yếu để cho…vui vì trong truyện không thấy ứng dụng gì đặc biệt.

Rút kinh nghiệp từ series Ellery Queen vốn bị chê dài dòng khô khan suy luận lắm lại còn nói nhiều, Tragedy of X cải thiện cho văn phong mềm mại hấp dẫn hơn, đồng thời dồn toàn bộ các phần suy luận dài về cuối. Tuy nhiên đây lại là một nhược điểm chết người, khi tình huống trong khoảng 2/3 đầu truyện không đủ nhanh và kịch tính, việc thiếu đi các đoạn suy luận làm kích thích đầu óc người đọc đã làm cho phần đầu của truyện này có tác dụng như một liều thuốc an thần cực mạnh (ngang ngửa với lối đá chuqua-chula của đội bóng M). Sau khi để cho độc giả mơ màng gật gù lên xuống với những chuyến xe điện ken đặc người, những chuyến phà qua song tấp nập, thậm chí có khi đi đến tận Nam Mỹ xa xôi; Đường thám tử sẽ nhẹ nhàng lay bạn dậy : Này thằng thủ phạm là thằng đấy đấy, đã suy luận ra chưa? Độ ¼ đoạn cuối truyện dùng để phá án. Phần này thì khỏi phải bàn, sở trường tác giả được phát huy tối đa, lần lượt từng chi tiết được hé lộ rất thuyết phục bằng suy luận logic. Phong cách suy luận thì cũng hơi giống Queen, không chỉ đơn giảng là giảng giải cách thủ phạm hành động mà còn giải thích rất kỹ phương pháp để đi đến kết luận.

Việc đọc quyển này sẽ gợi cho bạn nhớ lại những buổi học ôn cuối kỳ thời sinh viên. Đến lớp với tâm trạng bừng bừng phấn khích và khát khao hiểu biết để rồi sau vỏn vẹn 15 phút chìm vào giấc ngủ êm đềm không nhiều mộng mị. Nhưng xin hãy kiên nhẫn chờ cho đến cuối buổi khi giảng viên nói: Sau đây là giới hạn phần ôn tập. Đó sẽ là phần thường xứng đáng. Nói cho cùng, đến anh Lê Đen còn phải đợi Ốt-ca mười mấy năm cơ mà?

Chuyện nghề của Thủy

Sách dạng hồi ký có 2 dạng chính. Một là sách kể chuyện đời tư, kiểu chuyện ăn ngủ tắm giặt tán gái diệu chè cờ bạc hút sách. Dạng này hấp dẫn là bởi tính tò mò tọc mạch của con người, đến chuyện thằng hàng xóm còn thấy ly kỳ, nữa là chuyện của người nổi tiếng. Ngoài ra đọc để buôn chuyện cho vui rất tốt, không còn gì thỏa mãn hơn là thấy đời tư của người khác cũng bựa chả kém gì mình. Dạng 2 là sách thuật lại , cái này thì thú vị hơn.

Với cái tai-tồ “Chuyện nghề…” to đùng thì đương nhiên quyển này thuộc dạng 2. Quyển này theo giới thiệu là cộng tác của Trần Văn Thủy và ông Lê Thanh Dũng, có đoạn ông Thủy kể – ông Dũng viết lại, có đoạn nguyên văn chữ của ông Thủy. Đại từ nhân xưng lúc là “Thủy”, lúc là “mình”. Câu chuyện nghề được kể tập trung vào hành trình tự một nhà quay phim chiến trường trẻ tuổi cho đến nhà đạo diễn phim tài liệu lừng danh. Đây là một trong số hiếm hoi các hồi ký Việt nam mang được chất tiểu thuyết vào tư liệu thực, có những đoạn rất ly kỳ như kiểu ôm hộp phim chạy trong làn bom, thà nhịn đói chứ không ăn gạo rang chống ẩm; hay là quả vậy chuyển phim gốc chủa “Hà Nội trong mắt tôi” lén lén lút lút như gián điệp. 😀

Bia Chuyen lam nghe cua Thuy _ ok 2_ A Duc

Xa hơn một cuốn hồi ký có tính chất tiểu thuyết, quyển sách này còn bao gồm nhiều triết lý về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện sáng tạo của người nghệ sĩ. Một người bình thường khi chuyên chú vào công việc của mình, thật dễ trở thành một triết gia. Ai cũng có thể thành triết gia trong lĩnh vực của mình, vấn đề là ta có dùng cái đầu ở trên cổ hay không 🙂

Việc quyển này được xuất bản cũng đánh dấu một bước tiến dài trong kiểm duyệt sách ở Việt nam. Các trang viết về các lãnh tụ rất thẳng thắn và không kiêng dè. Vậy nên nếu có cơ hội cần mua nhanh nhanh kẻo lại rơi vào hàng sách hiếm.

Hotel California (1)

Hôm nay đi làm tự nhiên nghe bài này văng vẳng, hóa ra bác Glenn Frey –  tác giả và cũng là trụ cột của The Eagles mới đi hôm thứ 2. Đầu năm mà nghệ sĩ Tây lũ lượt về gặp các cụ Giôn (Lennon), cụ Gim-mi (Hendrix) hết cả.

Về độ ảnh hưởng ở Việt Nam, nếu không tính Bít-tồ vào đây, thì bài này cùng với November Rain thuộc loại nổi tiếng nhất trong thời kỳ nhạc rock bắt đầu phổ cập đến giới trẻ trẻ xì tin. Hồi đó mình vẫn nhớ các đại ca trong xóm vẫn bật đi bật lại bài này đến nát băng (cát xét tầu hai cửa tậm tịt, sau này nâng cấp lên CD lậu mà hình bìa đĩa thường hoàn toàn đ liên quan đến nội dung, hehe), vừa nghe vừa gật như bổ củi, tất nhiên không quên phân tích cái hay cái đẹp cho đàn em: “ĐM thấy nó đánh ghi-ta lúc đầu kinh không”- “Thằng tóc vàng vàng trông thế mà gào khỏe đ chịu được”. Ý nghĩa nội dung tư tưởng bài hát thì tất nhiên lúc đó chả thằng nào biết mẹ gì. Làm gì có nét để xem lyric, có quyển songbook ghi dăm chục lời bài hát đã thấy quí hơn vàng. Hơn nữa trình độ Eng-lịt trường làng chỉ đủ biết Hotel là cái khách sạn, California chắc là cái huyện nào to to ở Mỹ, cờ líp thấy có gái thì chắc nói về tình yêu chứ dứt khoát không chạy đi đâu được,… Đại loại hồi đấy thanh niên thưởng rock như thế. 😀

Về sau này ánh sáng văn minh được phổ cập mới biết được thêm tí ti thông tin về bài này. Hóa ra phần lời Hotel California là một trong những lời nhạc khó hiểu và kỳ dị nhất của nhạc rock. Cũng có những bài khác rất bí hiểm như American Pie (viết về quả này sau), nhưng đẻ ra lắm thuyết nhất thì hẳn là cái hô-teo này. Có cụ  thực tế thì bảo thằng đấy nó phê thuốc, rồi nằm mơ, có cái gì mà cãi nhau lắm. Có lắm anh tâm tư sâu sắc liên tưởng đến giấc mơ cái gì mà hư ảo, xã hội vật chất nước Mỹ tư bản thối nát,…  Tóm lại rất dức đầu.

….định viết nốt mà để sau, hè hè

 

Thí nghiệm cai nét

Bắt đầu thử nghiệm log out khỏi facebook 24h, tính từ 6h sáng hôm nay.

Sẽ update dần xem mình làm được gì trong 24h này 😀

  • Tính đến 8h sáng đọc gần xong In cold blood, đọc thêm 1 chap của quyển sách mới cực kỳ hay.
  • 2h chiều, đi làm về. Có dấu hiệu vật thuốc 😉
  • 8h tối, cảm thấy bình thường hơn. Làm việc và đọc tập trung hơn một chút.
  • 10h tối, tốc độ đọc tốt hơn. Đầu óc bớt các í nghĩ nhảm.
  • 11h đi ngủ, lành mạnh vãi
  • 5h30 dậy, log in vào 10 phút, rồi lại log out. Coi như hết 24h đầu tiên.

Đaghextan của tôi

Nếu có thể xếp loại thì chắc phải xếp quyển này vào dòng tản văn đang khá thời thượng. Kể ra thì cũng hơi oan vì Gamzatov viết quyển này lúc ngoài 50 tuổi, ngồi chiết lý sự đời cho vui. Là thời nay rất có thể quyển sách sẽ được chẻ nhỏ rồi post dần lên FB, nhưng xết cho cùng thì Gamzatov- một nhà văn tử tế và có lương tâm- hẳn sẽ không làm thế.

Bác Gamzatov này tên tuổi đầy đủ là Rasun Gamzatov, vốn là người dân tộc và cũng không thạo tiếng Nga lắm. Quyển sách này tập hợp những mẩu chuyện ngụ ngôn ngăn ngắn, có thực có bịa về con người, thiên nhiên, lối sống của xứ Đaghextan – một vùng rừng rú gì đấy đại để giống mấy xứ rừng núi Tây Bắc nước ta. Xen giữa các mẩu này là những suy ngẫm riêng về cuộc sống và công việc sáng tác của người nghệ sĩ.

Quyển này viết rất duyên với nhiều triết lý hay ho được kể lại vừa giản dị vừa hài hước. Kiểu như tác giả bảo có lần được bố cho tiền đi mua áo mới, nhưng lỡ tay mang đi uống diệu với bạn hết. Về nhà ông bố hỏi : Áo đâu. Gamzatov bịa ra một câu chuyện dài vớ vẩn. Ông bố bảo thôi để tao hỏi 2 câu: “Mua áo chưa?- Con chưa- Thế tiền đâu?- Tiêu hết rồi- Đấy có thể thôi mà mày mào đầu nhiều làm gì.” Ngoài mấy món này ra thì tác giả cũng luôn tiện giới thiệu luôn cách ăn uống diệu chè, đàn ca sáo nhị, hoặc chọc sàn tán gái của dân miền núi Đaghextan, kiểu kiểu thế.

Bản dịch của quyển này cũng rất tốt với phần dịch văn của Phan Hồng Giang, phần thơ Bằng Việt dịch. Nhà mình có bản cũ của Cầu vồng in với chất lượng giấy không thể tin nổi. Mấy chục năm rồi mà càng nhìn càng đẹp. Giữa vài trang lại có ép cả lá khô đúng kiểu lãng mạn ngày xưa 😉

Hôm qua tra cíu thử quyển này trên mạng thì hầu như không thấy được nhắc đến mấy. Rõ ràng là tây phương chả biết đến Gamzatov là ai. Ở Việt Nam thì tác phẩm nổi tiếng nhất của bác này chắc là cái bài thơ gì được Trần Tiến phổ nhạc cái gì mà “Một ngàn người iêu em trong đó có tôi, rồi thì còn mười người yêu em trong đó còn tôi,…” Đại loại là khuyên thanh niên tán gái nên kiên trì và chai mặt 😀

Một thời để yêu và một thời để chết

Hồi tháng 4 năm nay mình bắt đầu đọc lại quyển này. Bắt tay và trò chuyện cùng đồng chí Remarque, bạn thân, sau gần 5 năm là một trải nghiệm thú vị. Lần đầu tiên là một cuộc trò chuyện thâu đêm. Lần này thì khác, ngắt quãng và nhẹ nhàng, như nhâm nhi một cốc trà – à mà, theo kiểu của Remarque, thì nên là rượu.

Nội dung câu chuyện là về những ngày nghỉ phép của Ernst Graber, một người lính Đức trong thế chiến thứ 2. Graber quay lại thị trấn quê hương thăm cha mẹ. Không may, một đợt không kích của phe Đồng minh đã biến quê nhà anh thành một đống gạch đổ nát. Graber lang thang dò hỏi trong thành phố với niềm tin mong manh rằng cha mẹ mình đã kịp đi đi tản. Trong những ngày này anh gặp lại Elizabeth, cô bé học cùng trường nhiều năm về trước. Tình yêu giữa hai con người trẻ tuổi bừng nở trong 15 ngày phép ngắn ngủi của Graber..

Đó là một tình yêu thời chiến đơn thuần. Rất nhanh, rất mãnh liệt nhưng vẫn có những nét dịu dàng. 15 ngày yêu nhau mô tả qua hơn 400 trang sách. Xét kỹ ra, câu chuyện tình yêu này thực sự không có điểm gì đặc biệt. Hai người trẻ tuổi gặp nhau, nảy sinh tình cảm. Họ đi ăn, ngồi uống rượu, trò chuyện. Rất ít những pha éo le, những cảnh bi kịch như là chất xúc tác cho một chuyện tình. Remarque không cần những thứ đó. Nhà văn dùng những đoạn mô tả đời thường rất đơn giản, tinh tế và quyến rũ. Những cảnh đó giống như cuộc đời xung quanh ta, và người đọc rất dễ có cảm giác đồng cảm – hình như đó là chuyện của đời ta, hay bạn bè ta, hay là ta nhìn thấy đâu đó nhỉ?

Sức quyến rũ trong văn Remarque rất khó lý giải. giống như nhìn ngắm một cô gái dễ thương, ta không thể định nghĩa bằng lời. Nếu có thể diễn đạt một cách đơn sơ, đó là sự kết hợp của những câu văn lấp lánh đẹp đẽ, những chi tiết đời thường vụn vặt, những câu đùa duyên dáng và cả niềm hy vọng sâu kín giữa những bi quan của đời.